NHỮNG ĐIỀU SINH VIÊN CẦN BIẾT VỀ ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ (SQDB)

I. TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN

Nam sinh viên có đủ điều kiện về chính trị, sức khỏe, tuổi đời không quá 30, tốt nghiệp đại học và không thuộc diện tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, cụ thể:

1. Về chính trị, đạo đức

- Có lai lịch chính trị rõ ràng, đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam;

- Bản thân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, là Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Về thể lực

Có sức khỏe loại 1 đến loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của liên bộ: Bộ Y tế và Bộ Quốc Phòng.

3. Về trình độ chuyên môn

Tốt nghiệp Đại học (ưu tiên những sinh viên có kết quả tốt nghiệp loại Khá trở lên).

II. TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC TẠM HOÃN GỌI NHẬP NGŨ TRONG THỜI BÌNH

1. Người chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quyết định của hội đồng giám định sức khỏe;

2. Người là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;

3. Người có anh, chị, em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;

4. Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định; cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước thuộc các ngành khác và cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được điều động đến làm việc ở các vùng nói trên;

5. Người đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước, được Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;

6. Người đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học do Chính phủ quy định;

7. Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu.

III. TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN GỌI NHẬP NGŨ TRONG THỜI BÌNH

1. Con liệt sĩ, con của thương binh, bệnh binh hạng 1;

2. Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ;

3. Một con trai của bệnh binh hạng 2;

4. Thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng cao có nhiều khó khăn, vùng sâu, biên giới hải đảo xa xôi do Chính phủ quy định. 

Chú ý:

- Trường hợp những sinh viên thuộc diện được miễn, tạm hoãn nếu tình nguyện thì vẫn có thể xét tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị;

- Sinh viên tình nguyện hoặc đối tượng thuộc diện được tạm hoãn (miễn) thực hiện SQDB phải làm đơn, hoàn thiện các giấy tờ xác minh cần thiết nộp về khoa trước ngày 15/6/2018;

- Mọi sinh viên không thuộc diện được tạm hoãn (miễn) gọi nhập ngũ trong thời bình đều phải thực hiện tốt công tác tuyển chọn SQDB của nhà trường.

VI. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI

1. Nghĩa vụ

- Sinh viên phải chấp hành công tác SQDB của nhà trường và lệnh gọi đi đào tạo SQDB của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Trường hợp sinh viên không thực hiện công tác SQDB khi được giao nhiệm vụ hoặc lệnh gọi đi đào tạo SQDB Nhà trường sẽ xử lý kỷ luật:

+ Khi có thông báo mà không tiến hành hoàn thiện hồ sơ: Nhà trường xem xét dừng xét tốt nghiệp trong vòng 12 tháng.

+ Không cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và giữ Bằng tốt nghiệp

+ Báo cáo Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo và phối hợp cùng cơ quan quân sự, chính quyền địa phương nơi sinh viên cư trú xử lý theo luật định: buộc đi nghĩa vụ quân sự, trường hợp cố tình không chấp hành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Quyền lợi

- Sinh viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị được phong quân hàm SQDB, được cấp thẻ SQDB và đăng ký vào ngạch dự bị động viên;

- Được miễn thực hiện NVQS trong thời bình khi chưa có lệnh tổng động viên (Mục c, khoảng 4, điều 4, luật nghĩa vụ quân sự 2015);

- Trong thời gian đào tạo được hưởng mọi chế độ chính sách của quân nhân (Học viên sĩ quan); kết thúc quá trình đào tạo được hưởng 1 tháng lương (cấp Thiếu úy), hàng tháng được nhận phụ cấp (0,1 x Lương cơ bản).

- Trong thời gian đào tạo được tạo điều kiện để thực hiện tuyển dụng lao động, tìm việc làm.

- Được ưu tiên cộng 1 điểm khi thi tuyển công chức vào các cơ quan nhà nước.

Trường hợp sinh viên có nguyện vọng tình nguyện vào phục vụ quân đội sau khi xem xét sẽ được điều vào phục vụ trong các đơn vị quân đội 2 năm. Hết 2 năm, nếu sinh viên tiếp tục có nguyện vọng ở lại, xét đủ điều kiện tiêu chuẩn và quân đội có nhu cầu thì được quyết định chuyển sang sĩ quan thường trực hoặc quân nhân chuyên nghiệp theo diện bố trí cán bộ để phục vụ quân đội lâu dài.

V. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

1. Kiểm tra sức khỏe (lấy kết quả khám sức khỏe ra trường)

2. Tự khai lý lịch (lấy theo mẫu tại khoa)

3. Đi xác minh lý lịch

4. Hoàn thiện hồ sơ

- Bản thẩm tra xác minh lý lịch (có đóng dấu của Đảng ủy địa phương)

- Bản sao giấy khai sinh

- Giấy khám sức khỏe

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (bản sao bằng tốt nghiệp)

- Bảng điểm

- Sổ đoàn (đảng)

- Đơn tình nguyện đào tạo sĩ quan dự bị (SV tình tuyện)

- Giấy tiếp nhận cán bộ khi tốt nghiệp SQDB đối với sinh viên tình nguyện (nếu có nơi tiếp nhận)

5. Chờ lệnh gọi sẵn sàng nhập ngũ

6. Lên đường đi đào tạo SQDB.

 

VI.XỬ LÝ KỶ LUẬT KHI KHÔNG CHẤP HÀNH LỆNH GỌI SQDB

Trường hợp sinh viên khi nhận được quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không lên tập trung đào tạo thì sẽ bị xử lý cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Nghị định số 26/2002/NĐ-CP;

– Thông tư 95/2014/TT-BQP.

– Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

2. Tư vấn xử lý

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 26/2002/NĐ-CP về sĩ quan dự bị quân đội nhân dân Việt Nam, đối tượng thuộc diện đào tạo sĩ quan dự bị gồm:

a) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ và hạ sĩ quan dự bị hạng 1; 

b) Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên.

Việc đào tạo sĩ quan dự bị được thực hiện tại các trường trong quân đội. Thời gian đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng đến 6 tháng. Căn cứ vào đối tượng, yêu cầu đào tạo đối với từng loại sĩ quan dự bị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về thời gian, nội dung, chương trình đào tạo.

Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 26/2002/NĐ-CP  quy định trách nhiệm của người được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị:

1. Những người được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị có trách nhiệm thực hiện các quy đinh về tuyển chọn và chấp hành lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị.

Khi sinh viên nhận được quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị. Theo các quy định pháp luật trên, sinh viên có trách nhiệm thực hiện quyết định này. Nếu sinh viên cố tình không thực hiện khóa tập trung đào tạo theo quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị đã vi phạm quy định pháp luật.

Tại khoản 1 và điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị 

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không có lý do chính đáng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: 

a) Buộc chấp hành giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc buộc chấp hành quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

Trong đó, lý do chính đáng quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được hưỡng dẫn tại Điều 5 Thông tư 95/2014/TT-BQP là một trong những lý do sau:

a) Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.

b) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.

c) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.

d) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

đ) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này.

Như vậy, nếu sinh viên không thực hiện quyết định đào tạo sĩ quan dự bị mà không có một trong những lý do chính đáng trên, sinh viên sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng và buộc thực hiện quyết định đào tạo sĩ quan dự bị. Nếu khóa học đã kết thúc sinh viên có thể chờ đợt sau để tham gia khóa học mới. Ngoài ra, nếu cơ quan, đơn vị sinh viên đang công tác có quy định xử lý kỷ luật bạn còn có thể bị xử lý kỷ luật. 

 

Điều 11. Vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị (ND120/2013/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sĩ quan dự bị.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận lại sỹ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chấp hành giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc buộc chấp hành quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

c) Buộc thực hiện lại việc kiểm tra sức khỏe đối với người được kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều này;

d) Buộc tiếp nhận lại sỹ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn