Một số nội dung trọng tâm công tác HSSV năm học 2014-2015 - Đại học Thái Nguyên

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN                     Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

    Số:  1339 /ĐHTN-HSSV                      Thái Nguyên, ngày  18 tháng 9 năm 2014

  V/v một số nội dung trọng tâm

công tác HSSV năm học 2014 - 2015   

 

 

 

Kính gửi: Các Trường, Khoa trực thuộc Đại học Thái Nguyên

 

Căn cứ Chương trình Công tác học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2012-2016 ban hành kèm theo Quyết định số 5323/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 2653/QĐ - BGD ĐT ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Đề án đổi mới công tác quản lý HSSV trong tình hình mới (nhiệm kỳ 2010 - 2015) ban hành kèm theo quyết định số 68 QĐ/BCH ngày 16/5/2012 của Đảng ủy Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) và Đề án công tác HSSV giai đoạn 2011 - 2016 ban hành kèm theo Quyết định số 400/QĐ - ĐHTN ngày 7/5/2012 của Giám đốc ĐHTN;

Nhằm thực hiện tốt công tác học sinh, sinh viên (HSSV) trong năm học 2014 - 2015, ĐHTN định hướng một số nội dung công tác HSSV trọng tâm như sau:

1. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng

1.1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV. Triển khai có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện chủ đề năm học 2014 - 2015: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm". Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu của cán bộ, nhà giáo, đảng viên. Đề ra nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu của HSSV.

1.2. Tổ chức tuần sinh hoạt công dân HSSV đầu năm học, đầu khoá học, cuối khoá học; phối hợp với tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động xã hội, công tác HSSV tình nguyện, tham gia phong trào quần chúng, các cuộc thi về văn hoá, văn nghệ, TDTT, thi tìm hiểu về lịch sử đất nước và quốc tế do cấp trên tổ chức, các hoạt động giao lưu trong và ngoài Đại học,…

- Tổ chức tuyên truyền, học tập nội dung Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4/11/2002 (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea - DOC) giữa các nước ASEANTrung Quốc, Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH ngày 21/3/2012. Thông tin về các nội dung chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam, về quá trình đấu tranh thắng lợi của Việt Nam trong thời gian Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, khẳng định sự thật không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

1.3. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của đảng viên là HSSV nhằm tạo động lực phấn đấu trong toàn thể HSSV. Tổ chức sơ kết và tiếp tục triển khai việc thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học”.

1.4. Tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tham nhũng, phòng chống ma túy, giáo dục an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của HSSV. Giúp HSSV hiểu biết và thực hiện đúng, đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

1.5. Triển khai Chỉ thị số 1357/CT-BGDĐT ngày 5/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho HSSV trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phù hợp với tình hình mới; Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV qua việc lồng ghép nội dung các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khoá.

1.6. Tuyên truyền để HSSV nắm và thực hiện tốt yêu cầu của Đại học Thái Nguyên về chuẩn hóa Ngoại ngữ và Tin học:

1.6.1. Đối với ngoại ngữ: Thực hiện theo đề án "Chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy và sinh viên Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020" được Giám đốc ĐHTN phê duyệt theo Quyết định số 1464/QĐ - ĐHTN ngày 30/10/2013.

1.6.2. Đối với tin học: Thực hiện theo đề án "Chuẩn trình độ CNTT cho cán bộ viên chức, giảng viên và HSSV Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2013 – 2015" được Giám đốc ĐHTN phê duyệt theo Quyết định số 766/QĐ - ĐHTN ngày 15/7/2013. Sinh viên không chuyên Tin học phải đạt trình độ tiếp cận chuẩn IC3 (Internet and Computing Core Certification, chuẩn quốc tế về sử dụng máy tính và internet do tổ chức Certiport của Mỹ cấp).

1.6.3.  Tiếp tục triển khai công tác đánh giá thực trạng sinh viên tốt nghiệp trước khi ra trường (một số ngành), tiến tới đánh giá tất cả các ngành đào tạo tại các trường trong các năm học tới.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp công tác HSSV phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ và yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo

2.1. Rà soát, bổ sung Quy chế HSSV, công tác HSSV nội, ngoại trú, đánh giá điểm rèn luyện,... theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Thái Nguyên và của Đại học Thái Nguyên; triển khai thực hiện nghiêm túc theo Quy chế, Quy định. Triển khai công tác làm thẻ HSSV, thẻ nội trú, thẻ thư viện,...; xây dựng giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả các loại thẻ, giấy tờ đã cấp cho sinh viên.

2.2. Tổng kết mô hình, rút kinh nghiệm công tác quản lý HSSV đối với các khoá đã được đào tạo theo học chế tín chỉ, đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn công tác quản  lý HSSV trong tình hình mới. Phát huy tối đa vai trò của cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm (trợ lý HSSV) và các bộ phận liên quan trong việc hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên nhanh chóng thích ứng với phương thức đào tạo tín chỉ.

2.3. Cung cấp đầy đủ thông tin  liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của HSSV trong đào tạo tín chỉ.

2.4. Thực hiện việc đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV theo quy định hiện hành. Kết quả rèn luyện của HSSV được lưu trong hồ sơ quản lý HSSV của trường, được sử dụng xét thi tốt nghiệp và ghi vào bảng điểm kết quả học tập và  rèn luyện của từng HSSV.

2.5. Chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định trong thi và kiểm tra. Duy trì công tác thông tin về kết quả học tập, rèn luyện của HSSV hàng năm với gia đình HSSV theo các quy định hiện hành (qua trang Web, qua thư, qua hệ thống dịch vụ viễn thông,...).

2.6. Xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả công tác khảo sát, đánh giá sinh viên tốt nghiệp (sau 1 năm, 2 năm ra trường).

2.7. Tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai cho HSSV tham gia công tác xã hội. Hoạt động tại nhà trường, tại địa phương, tại nơi cư trú. (từ 3-5 nội dung hoạt động/1 HSSV/năm).

2.8. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện ý thức, nhân cách, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Tăng cường tuyên truyền định hướng cho sinh viên để nhận thức được mặt trái của trò chơi điện tử trực tuyến (game online) và các loại phim, ảnh có nội dung xấu.

2.9. Xây dựng những tấm gương sinh viên tiêu biểu, biểu dương, tôn vinh sinh viên học giỏi, rèn luyện tốt. Cung cấp thông tin về sinh viên giỏi, giới thiệu sinh viên giỏi tới các địa phương và doanh nghiệp,…. Đồng thời xây dựng các chính sách phù hợp để giúp đỡ sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt.

2.10. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý HSSV.

2.11. Tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện về công tác HSSV. Xây dựng giải pháp quản lý phù hợp nhằm chấm dứt hiện tượng học hộ, thi hộ, học thuê, thi thuê, chấm dứt các biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng uy tín cho nhà trường và toàn Đại học.

2.12. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục quốc phòng trong công tác thực hiện kế hoạch giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên.

3. Công tác Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học, công tác an toàn giao thông và công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong HSSV

3.1. Đổi mới hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của HSSV; chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để HSSV tự phòng tránh các vấn đề tiêu cực ngoài xã hội.

3.2. Các đơn vị nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ công an Quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự"; chủ động đăng ký xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" (tiêu chí đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" được quy định tại Điều 8 của Thông tư) trong năm học. Chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương, các bộ phận liên quan nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong trường và khu vực; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của HSSV trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiềm chế, đẩy lùi được tội phạm, tệ nạn xã hội trong HSSV, tại nạn giao thông,...

3.3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT” và cuộc vận động thực hiện “Văn hóa giao thông”. Thực hiện chương trình phối hợp số 235/CTPH/UBATGTQG – BGDĐT ngày 05/8/2013 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học giai đoạn 2013- 2018.

3.4. Triển khai thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy giai đoạn 2012-2016; Chương trình hành động của ngành Giáo dục về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực giai đoạn 2011-2015.

  4. Công tác thực hiện các chế độ, chính sách và hoạt động hỗ trợ, phục vụ học sinh, sinh viên:

4.1.  Thực hiện tốt chính sách tín dụng; chính sách miễn giảm học phí (theo Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT- BGDĐT- BTC- BLĐTBXH ngày 30/5/2014 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ - CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến 2014 - 2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ - CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ - CP ngày 14/5/2010; học bổng khuyến khích học tập (theo Quyết định 44/2007/QĐ-BGD ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông tư số 31/2013/TT-BGD ĐT ngày 01/8/2013 sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 2 Quyết định 44/2007/QĐ- BGD ĐT); trợ cấp xã hội cho học sinh sinh viên.

4.2. Củng cố các trung tâm tư vấn hỗ trợ sinh viên, xây dựng kế hoạch tư vấn, hỗ trợ việc làm cho sinh viên từ đầu năm học. Chú ý nghiên cứu đổi mới về nội dung, đa dạng, linh hoạt về hình thức, phù hợp về thời gian tổ chức theo đặc thù riêng của từng đơn vị, ngành nghề nhằm đem lại hiệu quả thực sự. Mở rộng hình thức chủ động giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua những liên hệ trực tiếp của các đơn vị, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng hoặc thông báo qua các phương tiện thông tin của ĐHTN và đơn vị. Tổng kết mô hình trung tâm tư vấn, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

4.3. Tổ chức hiệu quả các dịch vụ phục vụ HSSV như: ký túc xá, nhà ăn, căng – tin, trông giữ xe, dịch vụ văn hóa, thể thao đảm bảo phục vụ tốt nhất cho HSSV.

5. Công tác giáo dục thể chất, thể thao và công tác y tế trường học:

5.1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học và Quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm y tế trong các nhà trường. Triển khai thực hiện chỉ thị số 17/UBND ngày 6/8/2014 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên về việc tăng cường công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.

5.2. Tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh theo các quy định hiện hành. Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên kiểm tra giám sát bếp ăn tập thể trong các Khu nội trú. Triển khai kế hoạch số 84/KH-BCĐ ngày 2/8/2013 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2013, 2014.

 5.3. Chú trọng giáo dục sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho HSSV; phối hợp triển khai Đề án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2011-2020.

5.4. Tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, các hoạt động xã hội theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

6. Công tác quản lý sinh viên nội, ngoại trú

6.1. Các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phư­ơng, công an khu vực trong việc quản lý sinh viên ngoại trú; phối hợp rà soát chỗ ở ngoại trú đạt chuẩn và tư vấn cho HSSV chọn chỗ ở phù hợp. Xây dựng kế hoạch kiểm tra sinh viên nội, ngoại trú và kế hoạch giao ban với công an phường, xã từ đầu năm học. Tổ chức Hội nghị công tác quản lý HSSV nội, ngoại trú theo quy định.

6.2. Rà soát, sửa chữa, nâng cấp các điều kiện về cơ sở vật chất cho Khu nội trú (KNT) nhằm tạo môi trường học tập và sinh hoạt tốt cho sinh viên nội trú, tiến tới xây dựng các KNT thành các trung tâm dịch vụ, phục vụ và đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người học. Phát huy tối đa điều kiện cơ sở vật chất trong KNT, giúp HSSV có nơi tự học, hoạt động tập thể,... Việc tổ chức tốt các hoạt động trong KNT cho HSSV là cơ sở quan trọng trong việc đề xuất xây dựng mới và mở rộng các khu KNT của toàn Đại học trong giai đoạn tiếp theo.

6.3. Các đơn vị chủ động xây dựng đội sinh viên tự quản, đội ngũ HSSV tham gia công tác quản lý KNT (như hệ thống trưởng nhà, trưởng tầng, trưởng phòng) nhằm kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin liên quan tới HSSV trong KNT. Bên cạnh đó góp phần làm tốt hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự cho HSSV.

6.4. Phát động các phong trào thi đua để HSSV chủ động tham gia các hoạt động tự quản trong các KNT; xây dựng phòng ở kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường trong các KNT xanh, sạch, đẹp.

6.5. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức cho HSSV tham gia trực tiếp các hoạt động xã hội tại nơi cư trú.

7. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác HSSV

7.1. Tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác HSSV, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các đơn vị thực hiện công tác HSSV trong các nhà trường; tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các phòng công tác HSSV nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nội dung về công tác HSSV.

7.2. Rà soát, củng cố, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ làm việc tại các Khu nội trú HSSV, qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và tạo niềm tin của HSSV với nhà trường.

7.3. Tiếp tục tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác HSSV trong các nhà trường theo từng chuyên đề; tổ chức hội nghị tuyên dương điển hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà trường.

7.4. Phân cấp quản lý HSSV cho các khoa chuyên môn một cách hợp lý. Nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cố vấn học tập, trợ lý HSSV trong việc tư vấn, định hướng, hướng dẫn HSSV trong quá trình học tập, rèn luyện. Nâng cao hiệu quả của các buổi sinh hoạt lớp, chi đoàn nhằm tăng cường tuyền truyền về ý thức, trách nhiệm của HSSV trong quá trình học tập tại trường; tuyên truyền về truyền thống nhà trường,  khoa, bộ môn trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, xây dựng môi trường học tập, xây dựng nhân cách cho HSSV cũng như tăng cường quảng bá vai trò, vị trí của ngành, nghề đang được đào tạo khi HSSV ra trường.

8. Một số hoạt động chung trong năm học 2014-2015

-  Chỉ đạo công tác đón tiếp HSSV nhập học và tổ chức tốt tuần sinh hoạt công dân đầu năm học 2014 – 2015 (tháng 8, 9/2014).

- Chỉ đạo tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên xây dựng kế hoạch, triển khai công tác tình nguyện của HSSV (tập trung vào các hoạt động tình nguyện tại chỗ nhằm tham gia xây dựng cảnh quan, môi trường, nơi ở, nơi học tập, nghiên cứu xanh, sạch, đẹp).

- Phối hợp tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT HSSV ĐHTN, triển khai các cuộc thi Olimpic các môn học theo kế hoạch của Trung ương (cả năm).

- Tổ chức các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống ma tuý, tội phạm và các hoạt động hưởng ứng tháng cao điểm An toàn giao thông (tháng 9 hằng năm).

- Triển khai kế hoạch giao ban về công tác đảm bảo ANTT với Công an phường, xã (có HSSV ở ngoại trú).

- Khai thác và trao học bổng cho HSSV (cả năm).

- Hội nghị tổng kết Công tác HSSV, biểu dương đại diện tập thể đạt danh hiệu tiên tiến, đại diện cá nhân đạt các danh hiệu giỏi, xuất sắc năm học 2013 – 2014 (tháng 10/2014, có hướng dẫn cụ thể sau).

- Triển khai công tác báo cáo hằng quý; Công tác thống kê, phân tích HSSV và kiểm tra toàn diện công tác HSSV (tháng 11/2014).

- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc tự đánh giá công tác học sinh, sinh viên theo Quy định về việc đánh giá công tác học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo theo thông tư số 39/2010/TT - BGD ĐT ngày 23/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đánh giá thi đua năm học theo quy định của Đại học Thái Nguyên.

- Rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác HSSV toàn đại học; công tác HSSV tại các Khoa trực thuộc; phân cấp quản lý về lĩnh vực công tác HSSV giữa đại học Thái Nguyên và các đơn vị trực thuộc (theo quy định tại thông tư 08/2014/TT - BGD ĐT ngày 20/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

- Tham gia tốt các hoạt động do cấp trên tổ chức.

9. Tổ chức thực hiện

9.1. Trách nhiệm triển khai:

9.1.1. Ban công tác HSSV ĐHTN là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Ban chuyên môn khác của ĐHTN triển khai tổ chức thực hiện theo kế hoạch này. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị trực thuộc.

9.1.2. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng công việc và gửi kế hoạch triển khai về Đại học Thái Nguyên trước ngày 15/10/2014 (qua Ban Công tác học sinh, sinh viên). Báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo quy định của ĐHTN.

9.2. Kinh phí thực hiện:

- Các đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

- Tăng cường huy động các nguồn lực khác từ dự án, đề án, các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường và đóng góp của các tổ chức, cá nhân,... để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác HSSV năm học.

 

Nơi nhận:                                           

- Như kính gửi (t/h);

- Ban Giám đốc (b/c);

- Trung tâm GDQP (t/h);

- Các ban thuộc ĐHTN (p/h);

- Website ĐHTN;

- Lưu VT, Ban CT HSSV.

 

K.T GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

(Đã ký)

 

 

PGS.TS Trần Viết Khanh

Tin mới hơn

Tin cũ hơn